Những ai đã từng học hoặc đến trường THCS Khương Mai hẳn sẽ không thể quên được một người - người mà rất nhiều học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường yêu quý đó chính là cô Hằng – nhân viên y tế của trường. Với dáng người nhỏ bé, giọng nói dịu dàng, nhẹ nhàng của một cô gái Huế, Hằng đã để lại những ấn tượng vô cùng đặc biệt đối với chúng tôi. Cứ mỗi lần xuống phòng y tế thấy cảnh Hằng tất bật chăm sóc học sinh tôi lại liên tưởng ngay đến câu nói: “Lương y như từ mẫu”. Học sinh các con thật là lạ, có vẻ các con rất sợ cha mẹ và thầy cô bởi vì tôi thấy có nhiều cháu do mải chơi hoặc nghịch ngợm mà vô tình bị thương hoặc bị đau nhưng có cháu không hề nói với cha mẹ mà để tận hôm sau đến trường mới nhờ cô y tế chăm sóc vết thương cho mình. Chưa bao giờ tôi nghe thấy Hằng kêu ca hay phàn nàn gì về công việc của mình mặc dù em phải chăm sóc rất nhiều người (tổng cộng trường tôi có đến hơn 1000 giáo viên, nhân viên và học sinh). Công việc phụ trách y tế trường học vất vả, lương lại thấp hơn rất nhiều so với ở ngoài nhưng em vẫn luôn yêu nghề, hết lòng với công việc.
Còn đối với riêng tôi, tôi có những kỉ niệm sâu sắc với Hằng. Kỉ niệm đầu tiên là ngày mới vào trường. Khi ấy Hằng còn rất trẻ, vừa lấy chồng và vẫn chưa có con, tôi thì được phân công chủ nhiệm lớp 6A2. Hôm đó, tôi đang ngồi ở phòng hội đồng thì bỗng học sinh Việt Hà - lớp trưởng 6A2 chạy vào tìm tôi với vẻ mặt hoảng hốt:
- Con thưa cô bạn Phát đẩy bạn Việt ngã vào cạnh bàn chảy nhiều máu lắm cô ạ.
Tôi vội vàng chạy xuống phòng y tế thì đã thấy Việt đang ôm mặt và chảy đầy máu. Còn Hằng đứng bên cạnh mặt tái nhợt, vẻ đầy lo lắng. Tôi vội lao tới giữ chặt vết thương cùng Việt và giục Hằng cầm máu, sơ cứu cho học sinh rồi hai chị em đưa học sinh ra bệnh viện Bưu Điện ngay cạnh trường. Thật may hôm ấy Việt chỉ bị khâu có 3 mũi. Khi nói chuyện với bác sĩ Hằng nhanh trí nhờ bác sỹ khâu thẩm mỹ cho con vì vết thương ngay trên trán. Lúc về tôi hỏi Hằng vì sao lúc đầu có vẻ chậm chạp trong việc cấp cứu học sinh thì em đã trả lời tôi là mình rất sợ máu, nhìn thấy máu là chân tay em bủn rủn lên. Lúc đó tôi có lắc đầu bỏ đi bởi tôi nghĩ một người làm việc trong lĩnh vực y tế như Hằng thì phải làm quen với chuyện người khác bị thương và chảy máu chứ không thể sợ hãi như vậy. Và dường như Hằng cũng hiểu được ý tôi nên những ngày sau đó tôi thấy Hằng có cố gắng hơn nhiều và cho đến bây giờ thì em đã thay đổi hoàn toàn, bây giờ em đã là một “bác sỹ cao thủ” mà trong trường tôi ai cũng tìm đến để xin được tư vấn mỗi khi có vấn đề về sức khỏe.
Một kỉ niệm khác, kỉ niệm này cũng gắn với 6A2 nhưng là 3 năm sau đó khi các con đã học lên lớp 9.
Một tối nọ, tôi nhận được điện thoại của Hằng:
- Chị ơi, chị thông báo giúp em bố mẹ của cháu Bình đưa con đi khám, chụp phim ngay chị nhé!
- Bình lớp chị á? Đức Bình hay Nguyễn Bình hả em ?
- Đức Bình chị ạ.
- Con làm sao hả em?
- Theo thăm khám của em thì chân con rất nguy hiểm chị ạ, chị cứ báo cho bố mẹ con đưa con đi khám ngay không được chậm chễ chị nhé.
Hôm sau Đức Bình nghỉ học cả buổi tôi cứ phấp phỏng lo mãi không biết con bị làm sao. Đến tối thì mẹ của Bình gọi điện thoại đến cho tôi câu đầu tiên của mẹ con là:
- Chị ơi, mẹ con em cảm ơn chị, cảm ơn cô y tế và cảm ơn nhà trường nhiều lắm ạ. Mọi người đã cứu con em…
Sau khi nghe hết câu chuyện của mẹ Đức Bình tôi đã hiểu ra tất cả, thì ra cu cậu trốn mẹ đi đá bóng bị va chạm rất mạnh nên ảnh hưởng đến dây chằng ở đầu gối. Do sợ bố mẹ biết việc trốn đi đá bóng nên con đã giấu không nói và cố gắng chịu đau. Mãi đến khi không thể chịu được cậu ta mới xuống cô y tế xin dầu và băng dán để giảm đau. Thật may là Hằng đã phát hiện ra được mức độ nguy hiểm nên đã báo về cho gia đình kịp thời đưa con đi khám chữa bệnh. Mẹ Bình nói nếu chỉ để chậm một vài ngày nữa thôi thì chân của con sẽ mãi mãi bị tàn tật. Hôm sau tôi gửi lời cảm ơn của mẹ Bình tới cô y tế cùng lời khen ngợi và sự thán phục của mình nhưng thái độ của Hằng thì rất khiêm tốn, nhẹ nhàng vẫn cái giọng Huế dịu dàng, ngọt ngào khiến tôi càng yêu quý em hơn.
Chị ơi chị, em cũng bình thường thôi chị à. Chị đừng khen quá mà em ngượng.
Và rồi ngày qua ngày em lại cần mẫm, thầm lặng cùng chúng tôi sẵn sàng chăm sóc, yêu thương học sinh như chính con em mình.
Ngày tháng trôi đi thật là nhanh chẳng mấy chốc chúng tôi gắn bó với nhau đã gần 10 năm và càng ngày những nét đẹp của cô y tế trường tôi càng tỏa sáng đặc biệt trong thời điểm hiện nay - giữa tâm dịch COVID -19. Khi dịch bệnh ùa đến là lúc ngành y tế vất vả nhất. Có biết bao bác sỹ, y tá đã kiệt sức, thậm chí mất cả tính mạng của mình khi cứu bệnh nhân.
Để chống dịch trường học đã nghỉ học, học sinh không đến trường để tránh lây lan, thế nhưng các thầy cô chúng tôi vẫn đến trường làm việc, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn để thiết kế những nội dung ôn tập phù hợp cho các con trong thời gian nghỉ phòng dịch. Và đặc biệt, cô phụ trách y tế của Nhà trường lại càng vất vả hơn nữa. Ngay từ khi xuất hiện dịch, Hằng đã cùng Ban giám hiệu Nhà trường tìm ra các biện pháp hướng dẫn HS phòng dịch đúng cách, hiệu quả. Hằng đưa ra những ý kiến tham mưu cho Ban giám hiệu để mua sắm những trang thiết bị y tế cần thiết chuẩn bị cho việc kiểm soát sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Chưa một hôm nào từ hôm HS nghỉ phòng dịch tới giờ cô y tế của nhà trường được nghỉ. Hàng tuần cứ đến ngày khử khuẩn trường lớp, chúng tôi lại thấy em tới từ sớm, chuẩn bị xô chậu, găng tay, pha dung dịch khử khuẩn sẵn để các thầy cô chỉ việc bắt tay vào công việc lau dọn. Cũng không tuần nào em quên nhắc chúng tôi việc nhắn hỏi sức khỏe HS trong thời gian nghỉ để kịp thời theo dõi và báo cáo lại cấp trên.
Dịch bệnh đã qua, học sinh đã đi học trở lại được gần một năm rồi, công việc của chúng tôi lại trở về như những ngày trước đây và công việc của cô y tế trường cũng thế cũng thế. Nhìn cái dáng nhỏ bé của em đi lại tất bật giữa hành lang tôi thầm cầu mong cho em có đủ sức khỏe để luôn là điểm tựa sức khỏe của chúng tôi, luôn là niềm tự hào của trường THCS Khương Mai chúng tôi.
Người viết
Trần Thị Lệ Xuân