Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "…Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…” Cứ mỗi lần đọc lại những câu nói ấy của Người, tôi lại nghĩ đến hình ảnh của một nhà giáo tôi vô cùng kính yêu - người đã âm thầm, tận tuỵ suốt mấy chục năm qua tạo nên những đoá hoa thơm ngát cho đời - người khiêm nhường, giản dị nhưng lại luôn khiến người khác phải nghiêng mình kính nể. Người tôi muốn nói đến là cô giáo Lê Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ trường trung học cơ sở Khương Mai, quận Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Với lẽ sống đẹp, vui tươi, hết mình cống hiến, chị đã chiếm trọn tình yêu và sự kính trọng của bao lớp học sinh, phụ huynh cũng như những người đồng nghiệp như chúng tôi.
Cô giáo Lê Thị Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn tổ ngoại ngữ, trường THCS Khương Mai.
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên tôi gặp cô giáo Lê Hạnh, đó là khi tôi đến nhận công tác giảng dạy ở mái trường THCS Khương Mai, lúc đó tôi chưa được biết chị là ai nhưng sự nồng hậu, ấm áp của chị khiến tôi nhớ mãi. “ Em yên tâm, chị và mọi người sẽ giúp đỡ em”, lời nói chân thành, ánh mắt hiền hậu của chị khiến người giáo viên lần đầu tiên đặt chân đến với môi trường mới còn đầy bỡ ngỡ như tôi vững lòng. Tôi thầm nhủ có lẽ mình đã tìm được ngôi nhà thứ hai của mình. Và tôi lại càng yêu kính chị hơn khi được biết chị chính là một trong những người về trường Khương Mai từ những ngày đầu tiên còn nhiều khó khan, gian khổ. Chị đã cùng với Ban giám hiệu, cùng các thầy cô giáo đầu tiên ấy luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió chèo lái ngôi trường. Là một Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh ( kiêm thủ quỹ) hết sức gần gũi, giản dị được mọi người tin yêu. Trong suốt gần tám năm công tác ở trường THCS Khương Mai, tôi chưa bao giờ nghe một lời “ đao to búa lớn” từ chị. Góp ý có, phê bình có, khen ngợi có, nhưng luôn luôn là sự chân thành đáng quý, khiến cho chúng tôi, từ tận đáy lòng, thấm thía và biết ơn những lời chỉ bảo của chị. Chẳng bao giờ to tiếng là thế, nhưng ở chị toát ra sự cương nghị khiến cho người khác phải nể phục. Chúng tôi sau mỗi lần nhắc nhở của chị, chẳng ai bảo ai đều nghiêm túc sửa đổi, chẳng ai muốn làm nhọc lòng chị thêm nữa. Nghiêm túc, thẳng thắn nhưng cởi mở, gần gũi, chị chiếm trọn sự tin yêu và kính nể của chúng tôi. Ngoài giờ làm việc, chị thực sự là người chị của chúng tôi trong mái nhà chung Khương Mai. Câu nói đùa của chị xua đi những sự mệt mỏi, lời động viên của chị khích lệ những đứa em, chúng tôi dường như quên mất khoảng cách về tuổi tác giữa hai thế hệ, chỉ còn lại những niềm vui, tiếng cười và sự yêu thương.
Cô giáo Lê Thị Hạnh và các đồng nghiệp trường THCS Khương Mai.
Nói đến cô giáo Lê Hạnh là nói đến sự tận tụy trong công việc, mười một năm trước chị rời quê hương Thái Bình chuyển công tác lên Hà Nội cùng chồng và các con. Chị được phân công về dạy tiếng Anh ở trường THCS Khương Mai, quận Thanh Xuân, ngôi nhà thứ hai là cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nghề của chị. Từ đó đến nay chị cần mẫn lao động, cống hiến cho ngôi trường này. Hai mươi lăm năm công tác, với mười một năm tại trường THCS Khương Mai dù không phải là dài so với cuộc đời mỗi con người nhưng đó là thời thanh xuân đẹp đẽ nhất, khoảng thời gian tuổi trẻ khát khao cống hiến nhất và chị đã dâng hiến trọn vẹn cho hai mái trường mến yêu, cho sự nghiệp trồng người.
Mười một năm với THCS Khương Mai, với lòng say nghề và đam mê, cô giáo Lê Hạnh đã dìu dắt biết bao lớp học trò qua sông, biến biết bao giấc mơ thành sự thật. Bao thế hệ học trò của chị đã ra trường mang theo tri thức và khát vọng mà thầy cô gửi gắm, trở thành những người công dân tốt, có ích cho xã hội. Để rồi nhiều năm sau, họ trở lại ngôi trường cũ, tay bắt mặt mừng ôn lại kỷ niệm, họ nhận ra cô giáo của mình vẫn đang giảng dạy lớp con cháu của họ với lòng nhiệt huyết y như năm nào. Chị chia sẻ :” Điều hạnh phúc nhất là được chứng kiến sự trưởng thành của những cô cậu học trò thơ dại ngày nào. Rất nhiều học trò lại gửi gắm con cháu của mình cho chị dạy dỗ với niềm an tâm tuyệt đối. Đó là phần thưởng lớn nhất cho bao cố gắng, nỗ lực của mình.”
Lúc nào chị cũng vẫn luôn đau đáu với từng tiết dạy. Mỗi lần đứng trên bục giảng, chị như được trở về với lý tưởng của cuộc đời mình, đó là làm người lái đò đưa học sinh đến bến bờ tri thức. Chính vì vậy những tiết tiếng Anh của chị luôn sôi nổi, bổ ích, không chỉ truyền tải tri thức, mà còn truyền đến niềm hứng khởi, sự đam mê tới học sinh. Người ta hay nói: “Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” chính là như vậy.
Cô giáo Lê Thị Hạnh với các học trò yêu quý
Với sự tận tâm, sáng tạo, cố gắng không ngừng, chị đã hái được những trái ngọt cho sự nghiệp của mình. Chị cũng dìu dắt nhiều thế hệ học sinh đạt được nhiều kết quả cao môn Tiếng Anh cấp quận, cấp thành phố nhiều năm học…Nhưng trên cả những giải thưởng và danh hiệu, phần thưởng lớn nhất cho sự nỗ lực của chị là niềm yêu kính của bao lớp học sinh, là sự tin cậy và ngưỡng mộ của đồng nghiệp.
Cô giáo như mẹ hiền.
Không chỉ là một nhà giáo tâm huyết chị còn là một Tổ trưởng mẫu mực, hết mình vì công việc. Chị chưa từng kể về những vất vả trong công việc, nhưng nhìn những nét lo âu của chị mỗi khi trường có sự kiện, nhìn những ngày làm việc đến tận tối khuya, nhìn sự tất tả của chị chạy đôn chạy đáo trong cả những ngày nghỉ, chúng tôi thấu hiểu và thầm biết ơn chị đã cống hiến cho ngôi trường này. Chị luôn tâm niệm: “Khi đứng trên bục giảng, ta phải làm trọn vai trò của người thầy, không chỉ trao tri thức, mà con trao đi niềm đam mê, trao lẽ sống.” Chị đã thực hiện trọn vẹn tâm niệm đó trong suốt quãng đời nhà giáo của mình. Khi tôi ngồi viết những dòng này thì người đồng nghiệp- người chị đáng kính của chúng tôi chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ nghỉ hưu. Chúng tôi sẽ rất buồn và nhớ chị lắm đây!
Cô giáo Lê Thị Hạnh, giáo viên, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ trường THCS Khương Mai.
Nhà triết học Leptonxtoi đã từng nói : “ Điều phi thường bắt nguồn từ những điều nhỏ bé”. Thật vậy, sự gần gũi, giản dị của chị lại là một tấm lòng lớn, một khối óc một trái tim rộng mở. Tôi xin phép được gọi chị là “điều phi thường nhỏ bé”. Chúng tôi – thế hệ nhà giáo trẻ của trường THCS Khương Mai xin noi gương chị, sống làm việc và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người để lòng nhiệt huyết được chị thắp lên sẽ cháy mãi, cháy mãi trong ngôi trường thân yêu.
Người viết
Trần Xuân Giang