Ở quận Thanh Xuân, trong đề án phát triển giáo dục 2016 – 2020, cũng đã đưa việc xây dựng hệ thống các nhà vệ sinh trường học trở thành một trong những mục tiêu chính. Mỗi trường trên địa bàn quận Thanh Xuân sẽ được đầu tư từ 2,5-3,5 tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống nhà vệ sinh.
Tại Trường THCS Khương Mai, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chung theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cô hiệu trưởng Lê Thúy Quỳnh cùng BGH nhà trường cũng luôn quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho học sinh.
Với diện tích hơn 5000 m2, được thành lập từ năm 2011, quy mô các phòng đạt chuẩn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm… Trường THCS Khương Mai không chỉ là một môi trường đào tạo lý tưởng cho các em học sinh, mà chính nơi đây các em luôn coi thầy cô như cha mẹ, coi trường như ngôi nhà, tổ ấm thứ hai, an toàn, tiện nghi của mình. Và đặc biệt, khi đến thăm trường, ai cũng ấn tượng bởi hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, khô ráo như “khách sạn 5 sao”.
Khu nhà vệ sinh luôn khô ráo, sạch sẽ.
Theo các chuyên gia y tế, nhà vệ sinh bẩn là “ổ” chứa của 189 loại vi khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm gan A… 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học nhiều hơn ở nhà (Theo điều tra của UNICEF Việt Nam). Ngoài ra, nhiều em học sinh sợ đi tiểu dẫn đến việc nhịn uống nước, hay nhịn đi tiểu cũng gây ra những tác hại khôn lường cho sức khỏe.
Tại trường THCS Khương Mai, không bao giờ thấy cảnh học sinh phải bịt mũi, nhăn mặt hay thậm chí là phải nín thở mỗi khi đi qua nhà vệ sinh. Nhà trường sử dụng mô hình nhà vệ sinh công nghiệp, có đội ngũ lao công chuyên nghiệp được thuê ở ngoài. Vì thế, công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường nói chung và khu nhà vệ sinh nói riêng luôn được đảm bảo.
Các khu nhà vệ sinh đều được bố trí hợp lý, khu vệ sinh nam, nữ, giáo viên riêng, có bồn, vòi nước rửa tay, xà phòng, có nước nóng, đáp ứng nhu cầu sử dụng. Em Hoàng Trúc An - Lớp 6A6 hồ hởi chia sẻ “Con thấy nhà vệ sinh ở trường mình rất là sạch, các bạn học sinh lại luôn biết giữ gìn. Chúng con không bao giờ phải nhịn đi tiểu cả. Khi mà hết giấy vệ sinh thì các bác lao công sẽ thay ngay vào”.
Giấy vệ sinh luôn luôn có sẵn, đủ dùng cho học sinh.
Bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường - đó cũng là một trong những chuyên đề thường xuyên nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục thông qua các môn đạo đức, tự nhiên - xã hội, khoa học...
Ngoài ra, nhà trường còn có các cuộc thi nghiên cứu khoa học các đề tài về bảo vệ môi trường dành cho các em. Trong đó có nhiều đề tài được đánh giá cao và đoạt giải cấp Quốc Gia, cấp Quận như các đề tài: “Nắp cống thoát nước chống mùi bảo vệ môi trường” của em Trần Thành An (9A1) giải Ba cấp Quốc gia; “Nghiên cứu xử lý nước thải sinh hoạt bằng mô hình hồ thủy sinh trồng cây sậy” của nhóm các em Nguyễn Diệu Linh (9A1), Nguyễn Duyên Chí Kiên (7A5), Nguyễn Huyền My (7A2) đoạt giải Nhì cấp Quận; “Kiến trúc đô thị xanh” của em Nguyễn Thành Nhân và Phạm Đức Việt (6A3) giải Ba cấp Quận.
“Thứ hai đầu tuần nào nhà trường cũng có chuyên đề được trực tiếp BHG, cô hiệu trưởng hoặc thầy hiệu phó nói chuyện với các em học sinh, ngoài nhiệm vụ học tập chính, nhà trường còn căn dặn các em bảo đảm an toàn giao thông, công tác vệ sinh môi trường. Như năm ngoái, trong đợt cao điểm dịch suốt xuất huyết, nhà trường có chương trình “chiến sĩ diệt bọ gậy” và hàng tuần đích thân các em học sinh lập một tổ công tác đi kiểm tra công tác vệ sinh phòng làm việc của các thầy cô, phòng học và toàn bộ khu vực xung quanh trường.” cô Lê Thúy Quỳnh – Hiệu trưởng chia sẻ.